Ta Về


Hạc Bút Ông

Có thể nói rằng Ta Về là một bài thơ lớn. Nó chứa đủ mật đắng và lòng kiêu trong từng sợi tóc, từng hơi thở, ở cảnh giới tù đầy và cũng ở bên ngoài rào kẽm gai tâm thức. Thơ bốc lửa ở từng chữ và cũng ở ngoài chữ.

Ta Về, 124 giòng cuồng lưu, chẩy miết trong thơ. Nó chế ngự cảm thức người đọc thật dễ dàng. Từ gặp lần thứ nhất, và vĩnh viễn ở cùng như một người tình chung thủy.


Thi sĩ Tô Thùy Yên

Ta Về                                                                                         Nghe thêm các bài về Tô Thùy Yên

Hôm nay, ngồi đọc lại, ta vẫn còn đầy nguyên cơn sũng nghẹn trong hồn. Từ cái tâm cảnh ngậm ngùi, hào sảng ở kẻ bại binh, mà lòng còn vằng vặc trăng sao trước tan vỡ, mất mát khắp cùng. Tưởng như Ta Về, đã hình thành từng nét trong đầy đoạ khổ sai. Ta Về, từ tuyệt vọng chôn chân nơi đáy ngục, thức ngủ với kẻng khua. Ta Về dù đã góc núi vùi thây, đã trăm năm đứt gánh.

TA VỀ

Ta về tiếng biển rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo ai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.

Ta trở về, một mình, cô đơn thế đó. Song tù và núi cũng nát lòng. “Mềm phế phủ” là ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo thường thấy ở Tô Thùy Yên. Vần “thay” tuyệt đẹp như một dấu hỏi và dấu than, dấy mãi lên những vang vọng, cháy lòng.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.


Tô Thùy Yên – Tranh Đinh Cường

Ta 10 năm im lìm như thảo mộc, muông thú, chốn rừng già ngàn tuổi. Ta sống mà đã chết. Chết dấp. Thanh gỗ tầm thường thô sảm trong tay hảo kiếm thủ đã đánh ra những chiêu thức phi thường. Chữ đắc vị, chói sáng hào quang thế đó, đã trải suốt Ta Về như một hịch truyền. Vần điệu tuyệt vời, dù thơ họ Tô ít chú trọng đến yêu vận, cước vận. Nhiều chỗ vần lơi mà vẫn khít khao như giữa “im tiếng ngàn thu” và “vượn cổ sơ.” Thơ và nỗi đau cao đều đã bỏ xa Nguyễn Bính ở…” Chín năm đốt đuốc soi rừng. Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân…” Hãy đọc tiếp ta về:

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Chỉ có thế. Trời câm đất nín. Đời im lìm đóng váng xanh xao Mười năm, thế giới già trông thấy Đất bạc mầu đi, đất bạc mầu.

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

Hoài cảm ở người xưa, bà Huyện Thanh Quan trong Thăng Long Hoài Cổ là: …” Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…” Hoài cảm của Tô Thuỳ Yên lắng đọng hơn ở chiều sâu. “Những truông cùng phá “,những dấu tích kiên cường dựng nước của tiền nhân đã tàn theo cát bụi thời gian. Lòng người như lòng đất đã bạc mầu. Ai kẻ tâm huyết cũng đã bạc lòng mong ở những thời vận mới.

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

Có lẽ đây là đoạn thơ toàn bích nhất trong bài. Nó mở ra những góc nhìn khác, như một chuyển bước, lật qua những trang tận tuyệt. Ta cúi đầu để tạ ơn, để cười với nghịch cảnh, cũng để tìm lại cái ta đã chết dấp 10 năm. Thơ ánh lên niềm vui giả tưởng giữa gai buồn.

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.

Tưởng tượng thôi, quê ta đang vào mùa nước nổi, người người tiếp nhau tràn lên cứu nguy tổ quốc. Trống ngũ liên chỉ gióng lên khi thúc quân, thúc đô vật,và thúc tráng đinh hộ đê. Vui biết mấy, nhưng chỉ là vui giây lát thôi. Trong mộng tưởng.

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Thơ tuyệt vời ở ngôn ngữ và hình ảnh. Thơ chuyển mạch quá nhanh khiến ta rơi vào chân không. Ta vừa muốn rửa hờn,vừa muốn yên thân, tha hóa được sao?

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa.

Vẫn là châu ngọc riêng ở cõi thơ thất ngôn họ Tô. Chân cứng đá mềm, là lòng kiên trì ở ca dao mẹ. “Ruột mềm như, phải chăng thi sĩ muốn nói tới niềm tin thiết thạch đã phai mòn ở nỗi trông chờ tiếp tay nơi chiến hữu hải ngoại? Ta rất thích cụm từ “chớp bể mưa nguồn” ấy. Chớp dữ dằn, sấm ồn ào nhưng chẳng thấy giọt mưa nào rớt xuống đời ta. Đành nghĩ rằng mưa lớn lắm, ở mãi tít nguồn xa. Đành tự ru “Buồn trông con nhện giăng tơ…”

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển đời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi.

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời.

Ta về như sợi tơ trời nắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can.

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xưa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta.

Nhà thơ tuy không chọn binh nghiệp làm lẽ sống, nhưng đã một lần quỳ trước vũ đình trường nguyện thề cùng sông núi. Sau mười năm đầy ải ngục tù, anh vẫn còn tự coi mình là một người lính ở quốc phá gia vong.

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Dậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa.

Chữ “xiêu tán” thật đẹp, nhưng có cần thiết giữ hai đoạn thơ vô tội này trong bài không? Về từ mười năm xa, anh tả mái, vách, trong nhà trước rồi mới tả giậu nghiêng, cổng đổ có hợp lý không? Nền nhà mối xông, và thềm nhà um cỏ được nhắc tới hai lần có đáng không? Có hai điều khó hiểu khác nữa: “Nhà thương khó quá, sống thờ ơ” và “khách mới thưa”? Không lẽ “Nhà thương” là tình thương giữa những người nhà? “Khách cũ” là những người cùng chung một tuyến lửa, tuyến thơ với anh. Vậy “khách mới” là những ai đây?

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm truyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi.

Hai câu trên là sấm nổ, hịch truyền. Hai câu dưới nhẹ thếch tan loãng vào cõi yếm nhược, phủi tay. Cũng là mở ra cho những tâm sự riêng cho chín đoạn thơ kế tiếp:

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
Đời qua lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lá sương thầm khóc biến thiên.

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Ba trong bốn đoạn thơ này không có gì xuất sắc. Nhiều câu gượng ép, thiếu chất thơ:”Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu”,”Hưá trăm điều, một chẳng làm nên”. Lập lại một cách không cần thiết:”Mười năm con đã già trông thấy” trở nên nhẹ hều so với “Mười năm, thế giới già trông thấy”, đã dùng. Cũng vậy, giữa “Đời con thất bát” với “Khánh kiệt đời”. Chữ “tàn hư huyễn” e không chỉnh Cũng thế, ở “tiếng kêu đồng vọng”. Em “đứng” như biển chờ sông anh là một so sánh không mấy tế nhị, thích đáng.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy.
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

Ta về dầu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm.

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá, hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa.

Có thể nói rằng Tô Thùy Yên là phù thủy của ngôn ngữ thơ. Chữ mang bùa ngải ở “sau cánh cửa”,”mắt ai sâu”, “riêng gì”, “bụi chuối thức”,”khua”. Nhưng có lẽ anh hơi tham lam, chỉ vì một chữ “khua” mà giữ lại nguyên đoạn thơ trùng dụng cả ý, từ, lẫn hình ảnh ở mấy đoạn trên. Có đáng không?

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi.

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen.

Ta thích chữ “vết phỏng”, nhưng không mấy hài lòng khi thi sĩ dùng với hàm ý tiếc xót cõi thiên đường thần bí của tuổi thơ.”Đương đầu” với lãng quên đời là một thái độ sống dũng cảm của người thơ. Nhưng nó mâu thuẫn với ý niệm buông tay cuả anh trước đó:”Một lần kể lại để rồi thôi.” Nhưng ta cũng có quyền mâu thuẫn với chính ta ở phút trước, và giây sau lắm chứ?

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa.

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao.

Thi sĩ xuất thần đem ca dao vào thơ. Có thực chăng là không còn ai nữa đứng ở bờ ao để hát mãi những lời kiên:”Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn.Tào khê nước chẩy vẫn còn trơ trơ”? Chữ “một một” khéo lắm để giữ được âm trắc cần thiết. Nhưng “tuổi hạc” thì có lố lắm không khi tác giả mới ngoài 50? Và tóc mới muối tiêu:” Ta về cúi mái đầu sương điểm”, và “Mười năm, con đã già trông thấy”. Đã già trông thấy, là mới có hơi già thôi. Tuổi hạc thế nào được nhỉ?

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh.

Thêm một tuyệt chiêu của Tô Thuỳ Yên. Chỉ tiếc là “Lục lại thời gian kiếm chính mình” là một lập lại của tứ thơ đã dùng: “Ta gọi thời gian sau cánh cửa” nơi đoạn 22.

Ngồi đây nền cũ nhà hương hoả
Đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta. Tô Thùy Yên

(Theo báo Sài Gòn Nhỏ, trang 13. Người bạn cắt gửi cho đã quên ghi ngày số báo ấy ấn hành.) Phải nói là ta hơi thất vọng với hai đoạn kết thúc này.” Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi” và “Đành không trải hết được lòng ta”, không đủ mạnh so với những sấm sét của ngôn từ ở toàn bài. Cái “hữu hạn” của thời gian như không ăn nhậu gì mấy với ước muốn “trải hết được lòng” của tác giả. Như đã nói ở phần trên, (binh nghiệp vốn không phải là nghề của chàng), do đó trải hết lòng chỉ đơn thuần là ước muốn được giải bầy tâm ý qua sáng tác. Anh mới ngoài 50, anh cần bao nhiêu năm nữa để viết cho cạn lòng đây?

Kết luận, Ta Về là một bài thơ có tầm vóc nghệ thật khá cao. Hy vọng chúng ta sẽ được đọc thêm những sáng tác mới của Tô Thuỳ Yên. Chúc thi sĩ sớm hội nhập cõi tạm này với quê hương mang theo trong tâm tưởng.

HẠC BÚT ÔNG
30-12-93

Bình luận về bài viết này