Một vài kỷ niệm về nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há


Nguyễn Phương

Thưa quý thính giả, giới nghệ sĩ cải lương chúng tôi vừa chịu một đại tang: Nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há vừa về cõi vĩnh hằng vào lúc 12 giờ 30 sáng ngày 05 tháng 7 năm 2009, hưởng dương 99 tuổi, và sẽ được an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ 10 giờ sáng ngày 10 tháng 7 năm 2009.

Nữ nghệ sĩ Phùng Há sinh ngày 30 tháng 4 năm 1911, vào nghề hát năm 1924. Suốt 80 năm theo nghiệp Tổ, Bà là chim đầu đàn trên nhiều lãnh vực liên hệ đến ngành nghệ thuật sân khấu. Bà là diễn viên chánh trong hầu hết những vở tuồng cải lương mà Bà có diễn, có nhiều vai hát để đời. Bà là chủ nhân đoàn hát chuyên hát tuồng Tàu, là Hội trưởng nhiều hội kỳ của Hội Nghệ sĩ Ái Hữu Tương Tế, là giáo sư kịch nghệ nhiều trường dạy nghề ca hát, là thầy đào tạo nhiều nghệ sĩtài danh trong ba thế hệ nghệ sĩ, là người tổ chức và vận động thực hiện xây chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ và nhà dưỡng lão nghệ sĩ, là người nghệ sĩcao tuổi nhất có nhiều hoạt động từ thiện giúp cho đồng bào nạn nhân thiên tai bão lụt. Bà là người nghệ sĩ được tất cả các nghệ sĩ nhiều thế hệ trong và ngoài nước và cả đồng bào, các nhà nghiên cứu Văn Hóa Nghệ Thuật cũng như các quan chức chánh quyền của nhiều trào từ năm 1930 đến hiện nay thương yêu và kính trọng.


Nữ nghệ sĩ Phùng Há

Một vài kỷ niệm về nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há                      Nghe thêm các bài cổ nhạc

Giai thoại Mã Sư Tăng và chiếc vòng ngọc

Kỷ niệm về hoạt động nghệ thuật của Bà có rất nhiều, Nguyễn Phương xin nhắc một kỷniệm đáng ghi nhớ trong năm 1958 của nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há.

Năm 1958, Hội nghệ sĩ Ái Hữu Tương Tế có dịp đón tiếp phái đoàn nghệ sĩ Ấn Độ và hai nghệ sĩ sân khấu tài danh của Trung Quốc: Mã Sư Tăng, Hồng Tuyến Nữ qua thăm Việt Nam trao đổi nghệ thuật. Cô Bảy Phùng Há lúc đó là Hội Trưởng của Hội, cùng với các nghệ sĩ trong Ban Chấp Hành gồm có các nghệ sĩ Năm Châu, Duy Lân, Bầu Long, Tư Trang, Út Trà Ôn…tiếp đón hai phái đoàn tại trụ sở của Hội. Cùng có mặt trong buổi tiếp đón nghệ sĩ Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ có hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả, các nam nữ diễn viên nổi tiếng của các đoàn Thanh Minh, Kim Chung, Kháng Hồng…


Phùng Há trong vai Lỗ Bố

Qua thông dịch viên, hai nghệ sĩ Trung Hoa Mã Sư Tăng, Hồng Tuyến Nữ ngõ lời ngưỡng mộ các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là Năm Châu và Phùng Há mà báo chí Hồng Kông có nhiều bài ngợi khen. Ông Mã giới thiệu vài đoạn ca trong Hí khúc Trung Quốc. Ông nói: Mỗi thời đại Trung Quốc có một nền văn học tiêu biểu cho thời đại đó, như: Sở có Tao (Ly Tao), Hán có Phú, Đường có Thơ, Tống có Từ, Nguyên có Khúc.

Nói đến Hí khúc tức là tuồng chủ yếu là kịch cổ điển. Lần nầy qua Việt Nam được sựbảo trợ của Hoa Kiều Tương Tế Hội, đôi danh tài Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ sẽhát mấy suất ở rạp hát Đại Quang đường Tổng Đốc Lộc để gây quỷ cho Hoa Kiều Tương Tế Hội.

Nghệ sĩ Năm Châu thay mặt cho Hội và nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu về ngành sân khấu Việt Nam. Hai thông dịch viên là sinh viên người Hoa dịch lại bằng tiếng Quan Thoại cho hai nghệ sĩ thượng thặng Trung Quốc được hiểu nội dung phát biểu của anh Năm Châu. Điều đáng chú ý nhất trong lời giới thiệu về ngành kịch nghệ Việt Nam, nghệ sĩ Năm Châu nói là dù kịch nghệ Việt Nam du nhập từ các dòng kịch nghệTrung Quốc, Pháp, Anh…nhưng tất cả các điệu hát, lối hát đến Việt Nam đều được Việt Nam hóa hết. Người Trung Hoa khi ca những đoạn ngân dài, hơi cao thì dùng tiếng “Á à a..a..a…”, người Việt ca ngân dài và hơi ca thì “Ơ ớ ờ ơ ơ ơ…” Bài ca nào mà Ơ không êm tai thì bài ca đó uổng tử, chết non trên sân khấu Việt Nam, ví dụ bài Xái Phỉ dùng trong tuồng để điều binh khiển tướng thì Ơ nghe không được, bài ca đó hết được xài đến

Các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há và nhiều nghệ sĩ ký giả và nghệ sĩ chúng tôi đến xemđêm biểu diễn vở Đậu Nga Oan của hai danh tài Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ tại rạp hát Đại Quang.

Nữ nghệ sĩ Hồng Tuyến Nữ diễn lớp Hoa Mộc Lan tùng chinh và vào vai Đậu Nga trong hí khúc Đậu Nga Oan. Nghệ sĩ Mã Sư Tăng diễn hí khúc Đậu Nga Oan và nhiều lớp diễn khác.

Đèn trong khán phòng vừa tắt, tiếng trống, chập chỏa, đồng lố, nảo bạt đánh một chập chói tai đinh óc. Màn từ từ kéo lên, tiếng đàn tam thập lục, đàn gáo tấu lên một khúc nhạc êm êm, tiếng sáo hòa theo vi vu như gió lay mành lá, Mã Sư Tăng trong y phục nho sinh nghèo, vai mang lều chỏng đi thi, thất thểu bước ra. Một tràng pháo tay chào nghệ sĩ tài danh rồi khán phòng được trả lại sự im lặng. Mã SưTăng cất tiếng hát, buồn thảm mênh mang như tiếng kêu của một con mểnh hoang lạc trong rừng thẳm. Ông hát, đại ý: Ta, họ Đậu, tên Thiên Chương, lão thông kinh sử,nhưng thời vận chưa thông, công danh chẳng đạt, vợ lại qua đời nên dẫn con gái lưu lạc đến xứ Lạc Dương này! Muốn vào kinh ứng thí, ta cần tiền lộ phí, đành phải cho con gái làm dâu cho lão Thái … Nói là làm dâu, chớ thực ra là bán conđó con ơi…Nghèo nên cha phải bán con, Cha vào kinh ứng thí nếu không đậu bảng vàng thì cha con mình vĩnh viễn khó gặp nhau, đó con…

Tiếng hát của Mã Sư Tăng nghe như có tiếng nước mắt rào rạt trong lòng. Đâu đó nghe tiếng khóc sụt sùi của khán giả. Một tràng pháo tay nổi lên khen Mã tiên sinh.

Tài danh họ Mã liếc mắt nhìn xuống hàng ghế danh dự dành cho khách là nghệ sĩ Việt Nam. Tôi dõi theo ánh mắt của Mã Sư Tăng…Mọi người vổ tay nhiệt liệt…Các anh Năm Châu, Tư Trang, Trần Tấn Quốc, Thu An, tôi và các bạn nghệ sĩ khác đều nhiệt tình vổ tay, trừ cô Bảy Phùng Há! Vâng, trừ cô Bảy Phùng Há đang nhìn Mã SưTăng trân trân, ánh mắt lo âu, băn khoăn, bàng hoàng…Cô Bảy nghĩ gì mà quên vổtay vậy? Tôi chợt phát hiện ra…và Mã Sư Tăng, ông cũng phát hiện ra…Ông thủ vai một thư sinh nghèo, không tiền đi ứng thí đến độ phải bán con, vậy mà trên tay ông vẫn còn đeo một vòng ngọc thạch quý giá. Vòng ngọc thạch màu xanh thẳm có vân mây tuyệt đẹp, đáng giá bảo ngọc trân châu. Trong phút giây này, vòng ngọc thạch bổng biến thành chiếc còng vô duyên, xích tay chàng nghệ sĩ hào hoa họMã.

Thật không hổ danh bậc thầy trong nghề hát, Mã Sư Tăng bình tỉnh, đưa tay cao, nhìn sửng chiếc vòng ngọc thạch và hát cương một đoạn thật tài tình: Hởi ngọc thạch, báo vật gia truyền của mấy đời họ Đậu… đến đời ta, hoạn lộ mãi long đong, mỗi lần nhìn mi, ta lại đau lòng, nhớ kỳ vọng của huyên đường khuất núi. Ôi ! Ta đã phụNgười! Ta đã phụ ta! Phải hủy đi vòng ngọc với lời thề son sắt, quyết đạt thành ý nguyện của cha mẹ ta nơi chốn suối vàng! Hát xong, ông đập mạnh tay nơi góc bàn, vòng ngọc thạch vỡ tan.

Cô Phùng Há bật dậy như bị điện giật, vổ tay rất mạnh. Cả khán phòng cũng nhiệt liệt vổ tay theo…Tôi nghĩ là khán giả người Hoa và các nghệ sĩ đại biểu Việt Nam đều thông cảm chỗ sơ xuất của nghệ sĩ Mã Sư Tăng và khâm phục cách ông ta chữa lỗi. Trong khi đó thì Mã Sư Tăng như không có gì xảy ra, tiếp tục ca “Mang mang đại mộng trung, Duy ngã độc tiên giác” mộng lớn mênh mang, mình ta biết trước!

Tiếng cô thông dịch viên vẫn đều đều, không có vẻ gì nhấn mạnh ý nghĩa câu hát nhưng tôi nghe vang dội trong lòng: Mang mang đại mộng trung, Duy ngã độc tiên giác. Phải chăng câu hát nhắn nhủ riêng với cô Phùng Há: “Ta biết lỗi! Ta đã đập vòng ngọc để tạ bạn tri âm!”

Chiếc vòng ngọc, trị giá cả triệu bạc lúc đó, là cả một cái gia tài đồ sộ đối với nghệsĩ Việt Nam, vì để bảo vệ danh dự cá nhân hay vì tôn trọng nghệ thuật mà ông Mãđang tay hủy hoại bảo vật của mình? Dù sao thì trong trang sử nghệ thuật sân khấu, hành động của nghệ sĩ tài danh Mã Sư Tăng cũng là một viên ngọc sáng ngời, chói chan phẩm cách của một tài năng lớn.

Trong khi tôi viết lại giai thoại này thì hai đại tài danh Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ đã ra người thiên cổ, các nghệ sĩ tiền phong được chứng kiến phong cách bậc tôn sư của nghệ sĩ Mã Sư Tăng cũng quy tiên đã lâu, trong những năm nghệ sĩ Phùng Há làm Hội Trưởng, chúng tôi vẫn thường nhắc giai thoại nầy để tỏ lòng tôn kính hai bậc danh sư: danh sư Mã Sư Tăng khi biết lỗi của mình trong diễn xuất là sữa chữa liền để tạ lỗi với khán giả và danh sư Phùng Há có thái độ chân chính của người thưởng thức nghệ thuật, khi xem diễn, thái độ cảm thụ và phán đoán công minh, không thiên lệch theo số đông khán giả và vì sự nể phục riêng…Và chính nghệ sĩ Việt Nam Phùng Há đã làm cho bậc tôn sư kịch nghệ Mã Sư Tăng nể phục ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Nhắc lại giai thoại này với tất cả tấm lòng yêu kính và hãnh diện vì nghệ sĩ cải lương chúng tôi có một danh sư, một đại thụ của ngành mình: đó là nghệ sĩ tài danh, người vừa rời bỏ cuộc đời để về nơi vĩnh hằng.

Cốnghệ sĩ Phùng Há không có điều gì ước riêng cho mình. 80 năm qua, Bà đã cống hiến trọn đời cho nghệ thuật sân khấu, đã làm biết bao nhiêu là việc thiện giúp cho các nghệ sĩ và đồng bào kém may mắn hơn Bà. Bà là tấm gương sáng, là viên ngọc quý nhất của ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Theo RFA

Bình luận về bài viết này